Đã là người dân Việt Nam thì chắc chắn bạn đã phải nghe nói đến truyền thuyết về Lạc Long Quân - Âu Cơ khai sinh ra người dân Đại Việt rồi. Thế nhưng liệu bạn đã biết được chi tiết tiểu sử của Lạc Long Quân ra sao chưa? Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết ngay sau đây.
Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, là một vị vua trong truyền thuyết của lịch sử Việt Nam. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, thì cha của Lạc Long Quân có tên là Kinh Dương Vương Lộc Tục, còn mẹ của ông là Long Nữ - con gái của Động Đình Quân. Lạc Long Quân được xem như là vị vua của nhà nước sơ khai Xích Quỷ. Đây là nhà nước được coi là đầu tiên của người dân Việt Nam, trước cả nhà nước Văn Lang.
Lạc Long Quân rất nổi tiếng trong truyền thuyết và lịch sử dân tộc với sự tích cùng nàng Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, được xem là thủy tổ sinh ra dân tộc Việt Nam. Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra rất nhiều người con, trong đó con trai trưởng của ông là tù trưởng bộ lạc Văn Lang, đã có công thống nhất thành công 15 bộ lạc, thành lập nên nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên chính thức của dân tộc Đại Việt - xưng hiệu Hùng Vương đời thứ nhất.
Từ xa xưa, ở Lĩnh Nam có một vị thủ lĩnh tên là Lộc Tục, hiệu là Kinh Dương Vương. Ông có sức khỏe tuyệt vời, lại có tài bơi lội dưới nước như đi trên cạn. Một hôm, Kinh Dương Vương đi chơi hồ Ðộng Ðình, gặp Long Nữ là con gái của Động Đình Quân - Long Vương, hai người sớm kết thành vợ chồng và ít lâu sau sinh được một người con trai, đặt tên là Sùng Lãm. Lớn lên Sùng Lãm rất khỏe mạnh, một tay có thể nhấc bổng tảng đá to bằng hai người ôm lên cao. Cũng giống như cha, Sùng Lãm có biệt tài bơi lội dưới nước như đi trên cạn. Khi nối nghiệp cha, chàng lấy hiệu là Lạc Long Quân.
Thời bấy giờ có Ðế Lai từ phương Bắc đem quân tràn xuống phương Nam để xâm chiếm đất đai, mở rộng bờ cõi. Ðế Lai còn đem theo cả người con gái yêu quý rất xinh đẹp của mình là nàng Âu Cơ cùng với nhiều thị nữ. Thấy Lĩnh Nam phong cảnh tươi đẹp, lại nhiều chim muông, nhiều đặc sản, gỗ quý hiếm. Ðế Lai sai quân dựng thành đắp lũy để định cư ở đây lâu dài. Đế Lai cưỡng ép người dân địa phương phải phục dịch vô cùng cực khổ, nhân dân chịu không nổi, hướng về biển Ðông gọi to: “Bố ơi! Sao không về cứu dân chúng con!”. Thế là chỉ trong chớp mắt, Lạc Long Quân nghe được tiếng gọi và về ứng cứu.
Lạc Long Quân khi đó hóa thân thành một chàng trai rất khôi ngô, có đến hàng trăm đầy tớ theo hầu, vừa đi vừa hát, đến thẳng chỗ mà Ðế Lai đang ở. Thế nhưng Lạc Long Quân lại không thấy Ðế Lai ở đâu cả, mà chỉ thấy một cô gái nhan sắc tuyệt trần cùng vô số thị nữ và binh lính ở bên trong. Cô gái xinh đẹp đó là Âu Cơ, vừa nhìn thấy Lạc Long Quân uy nghi tuấn tú nàng liền đem lòng say mê, xin được đi theo hầu hạ Lạc Long Quân. Lạc Long Quân liền đưa Âu Cơ về ở trong cung điện của mình, tọa lạc trên đỉnh núi cao. Ðế Lai về, không thấy con gái ở đâu, liền sai quân lính đi tìm khắp nơi, hết ngày này qua ngày khác. Lạc Long Quân sai hàng vạn các ác thú lao ra chặn tất cả các nẻo đường, xé xác quân lính của Đế Lai, làm cho chúng khiếp sợ bỏ chạy. Ðế Lai đành thu quân về phương bắc mà không dám tìm con gái tiếp.
Lạc Long Quân ở với Âu Cơ được ít lâu thì Âu Cơ có thai, sau này sinh ra một cái bọc. Sau bảy ngày cái bọc nở ra thành một trăm quả trứng. Mỗi trứng lại nở ra một người con trai. Trăm người con trai đó lớn nhanh như thổi, tất cả đều khôi ngô, khỏe mạnh và thông minh tuyệt vời.
Hàng chục năm trôi qua, Lạc Long Quân vẫn sống đầm ấm bên cạnh vợ và đàn con, nhưng trong lòng vẫn nhớ thủy phủ không nguôi. Một hôm Lạc Long Quân từ giã Âu Cơ và đàn con, hóa làm một con rồng vụt bay lên mây, bay về phía biển cả. Âu Cơ và đàn con muốn được đi theo Lạc Long Quân, nhưng không thể đi được, đành buồn bã ở lại trên núi. Hết ngày này qua ngày khác, họ mỏi mắt trông chờ mà vẫn biền biệt tăm hơi của Lạc Long Quân. Không thấy Lạc Long Quân trở về, Âu Cơ nhớ chồng quá mà đứng trên ngọn núi cao hướng về biển Ðông lên tiếng gọi rằng: “Bố nó ơi! Sao không về để mẹ con chúng tôi sầu khổ thế này”.
Lạc Long Quân trở về ngay tức khắc. Âu Cơ liền trách chồng: “Thiếp vốn sinh trưởng ở núi cao, động lớn, ăn ở với chàng sinh được trăm trai, thế mà chàng nỡ lòng bỏ đi, để mặc con thiếp sống bơ vơ khổ não”. Lạc Long Quân bèn đáp lại: “Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi người con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên”.
Hai người từ biệt nhau, trăm người con trai tỏa đi các nơi theo đúng ý nguyện của cha mẹ, trăm người đó sau này đều trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua nhà nước Văn Lang, lấy hiệu là Hùng Vương. Vua Hùng chia ra làm mười năm bộ, đặt tướng văn, võ gọi là lạc hầu, lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Ngôi vua đời đời gọi chung một danh hiệu là Hùng Vương.
Lạc Long Quân là người có công mở mang cõi Lĩnh Nam, đem lại sự yên ổn cho nhân dân. Vua Hùng là người có công dựng nước, truyền nối được mười tám đời. Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam vẫn nhận mình chính là dòng giống Tiên Rồng, con Rồng cháu Tiên.
Ở biển Đông hồi bấy giờ có con ngư tinh xà (còn gọi là Ngư Tinh) dài hơn năm mươi trượng, chân nhiều như chân rết, biến hóa vạn trạng, quái dị khôn lường, khi đi thì ầm ầm như mưa, lại ăn được thịt người nên ai cũng sợ. Thuở ấy có hòn đá lởm chởm cắt ngang bờ bể, ở dưới đá có hang của Ngư Tinh sinh sống trong đó. Vì sóng gió rất hiểm trở, không có lối thoát, người dân muốn mở một đường đi khác nhưng đá ở hang Ngư Tinh rất rắn khó đẽo. Thuyền của người dân đi qua chỗ này thường hay bị Ngư Tinh hãm hại. Vào một đêm có một số vị thần tiên đục đá làm đường đi để cho người dân có chỗ qua lại. Ngư Tinh bèn hóa làm con gà trống gáy ở trên núi. Thần tiên nghe tiếng ngỡ rằng đã rạng đông bèn cùng bay lên trời, vì thế mà công việc đục đá mãi không hoàn thành được.
Lạc Long Quân thương người dân bị Ngư Tinh hãm hại bèn hóa phép thành một chiếc thuyền của thường dân, hạ lệnh cho quỷ Dạ Xoa ở Thủy phủ cấm hải thần nổi sóng, rồi chèo thuyền đến bờ hang đá của Ngư Tinh, giả cách cầm một người sắp ném vào cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng định nuốt, thế là Lạc Long Quân cầm một khối sắt nung đỏ ném vào miệng nó. Ngư Tinh chồm lên quẫy mình quăng quật vào thuyền, Lạc Long Quân cắt đứt đuôi cá, lột da phủ lên trên núi nay chỗ đó gọi là Bạch Long Vĩ, còn cái đầu trôi ra ngoài bể biến thành con chó. Lạc Long Quân bèn lấy đá ngăn bể rồi chém nó. Nó biến thành cái đầu chó, nay gọi là Cẩu Đầu Sơn. Thân trôi ra ngoài Mạn Cầu, chỗ đó nay gọi là Mạn Cầu Thủy (còn gọi là Cẩu Đầu Thủy).
Thành Thăng Long xưa có hiệu là Long Biên, hồi xa xưa vốn không hề có người ở. Vua Lý Thái Tổ chèo thuyền ở bến sông Nhị Hà, khi đó có hai con rồng dẫn thuyền đi, cho nên đặt tên thành là Thăng Long rồi đóng đô ở đấy, ngày nay tức là thành Kinh Hoa vậy. Xưa ở phía tây thành có hòn núi đá nhỏ, phía đông gối lên sông Lô Giang. Trong hang nằm phía dưới chân núi có một con cáo trắng chín đuôi sống hơn ngàn năm, có thể hóa thành yêu quái, thành người hoặc thành quỷ đi khắp nhân gian. Thời đó, dưới chân núi Tản Viên, người Mán chôn gỗ kết cỏ làm nhà. Trên núi có vị thần rất linh thiêng, người Mán thường thờ phụng. Thần dạy người Mán trồng lúa, dệt vải làm áo trắng mà mặc cho nên người đời gọi thần là Bạch Y Man (Mán áo trắng).
Con cáo chín đuôi tức Hồ Tinh biến thành người áo trắng để xâm nhập vào giữa đám dân Mán, cùng ca hát rồi dụ dỗ trai gái trốn vào trong hang núi nhằm ăn thịt. Người Mán vô cùng khổ sở và cầu cứu người tới giúp, Lạc Long Quân bèn ra lệnh cho lục bộ Thủy phủ dâng nước lên công phá hang đá. Hồ Tinh liền bỏ chạy, quân Thủy phủ đuổi theo, phá hang bắt cáo mà giết sống lấy thịt của nó để ăn. Nơi này về sau trở thành một cái vũng sâu gọi là “đầm xác cáo” (tức Tây Hồ ngày nay). Sau này người dân lập miếu (tức Kim Ngưu Tự) để trấn áp yêu quái. Cánh đồng phía Tây Hồ rất bằng phẳng, dân địa phương trồng trọt làm ăn, nay gọi là Hồ Đỗng. Đất ở đây khá cao ráo, người dân làm nhà mà ở nay gọi là Hồ Thôn. Chỗ hang cáo xưa nay được gọi là Lỗ Khước Thôn.
Thấy người ở vùng Long Biên đã được yên ổn làm ăn sau khi đã tiêu diệt Hồ Tinh, Lạc Long Quân đi ngược lên vùng rừng núi về phía đất Phong Châu. Ở vùng này có một cây cổ thụ gọi là cây chiên đàn, cao hàng nghìn trượng, trước kia cành lá sum suê tươi tốt che kín cả một khoảng đất rộng, nhưng sau nhiều năm, cây bỗng trở nên khô héo, biến thành yêu tinh, người dân gọi là Mộc Tinh.
Con yêu này hung ác và quỷ quyệt một cách lạ thường. Chỗ ở của nó không nhất định, khi thì ở khu rừng này, khi thì lại ở khu rừng khác. Nó còn luôn luôn thay hình đổi hình dạng để ẩn nấp khắp nơi, chuyên bắt người để ăn thịt. Ði đến đâu cũng nghe thấy tiếng khóc than thảm thiết, Lạc Long Quân quyết ra tay cứu dân diệt trừ loài yêu quái này. Lạc Long Quân phải luồn hết rừng này đến rừng kia và qua nhiều ngày gian khổ cuối cùng mới tìm thấy chỗ ở của Mộc Tinh. Lạc Long Quân giao chiến với nó suốt một trăm ngày đêm, làm cho long trời lở đất mà không chiến thắng được nó. Cuối cùng Lạc Long Quân phải dùng đến những nhạc cụ như chiêng, trống làm nó khiếp sợ và chạy về phía Tây Nam, sống quanh quẩn ở vùng đó, người đời gọi là Quỷ Xương Cuồng.
Sau khi Lạc Long Quân về trời, các quan cùng người dân đã lập ngôi đền quanh năm thờ phụng đến Ngài, nay là di tích quốc gia Đền Nội thuộc Bình Đà, Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội. Hiện nay ngôi đền này còn lưu giữ được rất nhiều cổ vật quý giá, trong đó có bức giá tượng Quốc tổ Lạc Long Quân cùng văn võ bá quan dự hội đua thuyền, cùng bức đại tự đề 4 chữ “VI BÁCH VIỆT TỔ” rất đẹp mắt. Di tích quốc gia Đền Nội và ngôi mộ Quốc tổ tọa lạc trên đất thiêng Bình Đà, nơi đây mãi là nơi để con cháu Lạc Hồng có thể về thờ phụng Quốc tổ.
Link nội dung: https://uuc.edu.vn/tieu-su-lac-long-quan-vi-thuy-to-khai-sinh-ra-dan-toc-viet-nam-a13789.html